Thứ nhất, người mua nhà cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ các giấy tờ, thông tin chứng minh pháp lý dự án, đồng thời kiểm tra dự án đó có thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất hay giải tỏa hay không.
Thứ hai, xem xét dự án đó có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng; thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của Sở Xây dựng…
Thứ ba, pháp luật quy định chủ đầu tư phải công khai thông tin dự án trên các trang điện tử của mình, trụ sở của ban quản lý dự án hoặc tại sàn giao dịch đó. Vì vậy, người mua nhà có quyền kiểm tra và hỏi họ để xem xét tính minh bạch của dự án.
Thứ tư, một dự án bất động sản phải có ngân hàng bảo lãnh. Đơn vị đó sẽ có quyền và nghĩa vụ giải quyết trường hợp chủ đầu tư dự án vi phạm một vấn đề nào đó, gây ảnh hưởng đến chất lượng hay tiến độ công trình.
Thứ năm, người mua nhà nên tham khảo giá của nhiều dự án khác nhau trong khu vực để tránh gặp phải tình trạng mua đắt, bán rẻ so với những dự án có vị trí, chất lượng công trình tương đương.
Thứ sáu, khi ký hợp đồng mua bán, khách hàng cần kiểm tra cẩn thận tất cả các điều khoản, đồng thời xem xét chủ thể ký hợp đồng với nhà đầu tư là ai, họ có đủ thẩm quyền để ký hợp đồng với mình hay không nhằm tránh tình trạng các chủ đầu tư gán căn hộ cho các nhà thầu thứ cấp, sau đó các nhà thầu này tiếp tục bán cho người khác để thu hồi vốn.
Thứ bảy, cần lưu ý về việc quản lý vận hành nhà chung cư bởi các tranh chấp liên quan đến vận hành, quản lý nhà chung cư, phí bảo trì chung cư… thường rất dễ xảy ra hiện nay.
Thứ tám, khách hàng nên tìm và lựa chọn những chủ đầu tư lớn, có uy tín vì hiện nay, chỉ có những doanh nghiệp có năng lực mới có thể tạo nên thành công của dự án.
Cuối cùng, người mua nhà có thể tìm đến các chuyên gia bất động sản, luật sư có hiểu biết về lĩnh vực này để nhờ họ tư vấn, nhờ đó sẽ giúp giảm thiểu đáng kể những rủi ro xảy ra tranh chấp, kiện tụng.
Các tư vấn-hỏi đáp khác: